Thế giới đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số không ngừng, trong đó Nền tảng liên lạc đám mây (CPaaS) đã trở thành “xương sống” kết nối doanh nghiệp với khách hàng toàn cầu. Thị trường này dự kiến tăng trưởng kép hàng năm 30%, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, nơi chiếm 70% thị phần nhờ nhu cầu bùng nổ từ thương mại điện tử và dịch vụ khách hàng đa kênh.
Tại Việt Nam, CPaaS vẫn là khái niệm mới và đang được thử nghiệm bởi một số công ty công nghệ. Lực lượng 54.500 doanh nghiệp công nghệ số, cùng hơn 1.2 triệu kỹ sư CNTT (đứng thứ 3 toàn cầu về kỹ năng AI) là nền tảng vững chắc để phát triển CPaaS nội địa. Mặc dù vậy, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn đang ở giai đoạn đầu tư nghiên cứu, chưa khai thác hết tiềm năng xuất khẩu nền tảng này ra quốc tế.
Vậy cơ hội nào đang chờ đợi CPaaS Việt Nam?
Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời cho tiềm năng của CPaaS Việt trong thị trường quốc tế qua chia sẻ của chị Phi Ngọc Cẩm – Giám đốc Khối GAPCOM – chuyên gia phát triển kinh doanh giải pháp Mobile Marketing & Martech với hơn 15 năm kinh nghiệm “mang sản phẩm đi đánh xứ người” cùng GAPIT.
PV: Theo chị, lý do gì khiến các doanh nghiệp ở thị trường Đông Nam Á quan tâm tới các đối tác cung cấp CPaaS từ Việt Nam, thay cho các thương hiệu quốc tế khác như Infobip hay Twillo? Lợi thế cạnh tranh của CPaaS Việt Nam là gì?
Mrs. Cẩm: Lý do đầu tiên là vì lực lượng chủ đạo của doanh nghiệp khu vực này thuộc nhóm vừa và nhỏ (SMEs) và sản phẩm CPaaS từ các doanh nghiệp Việt được “thiết kế may đo” dành riêng cho nhóm đối tượng này. Doanh nghiệp SMEs có sự khác biệt rất lớn với các doanh nghiệp lớn khác, từ quy mô, hệ thống hạ tầng công nghệ, tiềm năng thích ứng, trình độ nhân sự, kế hoạch triển khai, …. Và các thương hiệu lớn thì đa phần lại đang bỏ ngỏ nhóm “nhỏ” này, đó là cơ hội nắm bắt thị trường ngách cho CPaaS Việt.
Tôi đánh giá khá cao lợi thế cạnh tranh của CPaaS Việt, từ chi phí triển khai, khả năng bản địa hóa linh hoạt, tích hợp các kênh truyền thông địa phương để tiếp cận lượng người dùng lớn, đến độ ổn định kết nối được tối ưu nhờ khoảng cách địa lý gần. Hơn nữa, doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ nguồn nhân lực hỗ trợ kỹ thuật linh động trong khu vực và sự tương đồng về múi giờ làm việc.
Một yếu tố then chốt khác là mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Đông Nam Á thường dễ thiết lập và phát triển hơn so với doanh nghiệp Tây Âu, nhờ nền tảng văn hóa và ngôn ngữ tương đồng. Đây cũng là “đặc tính khu vực” riêng biệt mà không phải doanh nghiệp Tây Âu nào muốn cũng có thể “hòa nhập”.
PV: Theo chị, đâu là phân khúc thị trường nước ngoài mà CPaaS Việt dễ tiếp cận nhất? Fintech, E-commerce hay Logistic?
Mrs. Cẩm: Fintech và Logistic là 2 phân khúc tôi quan tâm nhất, vì dễ tiếp cận và đang tăng trưởng rất mạnh mẽ ở thị trường nước ngoài, đặc biệt các thị trường GAPIT đang hướng tới.

Chúng tôi đã mất gần 3 năm hoàn thiện sản phẩm và nộp hồ sơ để đạt các chứng chỉ bảo mật được chứng nhận bởi tổ chức uy tín, đó là “tấm vé thông hành” giúp chúng tôi tự tin mang CPaaS ra nước ngoài và hợp tác với các đơn vị quốc tế. Sân chơi quốc tế là mở, nhưng ai có chuẩn bị để phù hợp với luật chơi thì mới có thể tồn tại, còn không sẽ bị đào thải, dù ở bất cứ phân khúc nào.
PV: Chị có thể chia sẻ khác biệt lớn nhất khi triển khai CPaaS tại thị trường nước ngoài so với thị trường Việt Nam là gì không?
Mrs. Cẩm: Sự khác biệt cốt lõi khi triển khai CPaaS tại thị trường quốc tế so với thị trường Việt Nam nằm ở các yêu cầu nghiêm ngặt về tuân thủ pháp lý đa quốc gia, việc thiết lập quan hệ đối tác với nhà mạng địa phương, và khả năng đáp ứng chính xác các kênh giao tiếp ưa chuộng tại từng thị trường.
Để vượt qua thách thức này, nhà cung cấp CPaaS Việt Nam cần xây dựng hệ thống đa kênh linh hoạt (SMS, WhatsApp, LINE, Email…), đồng thời phát triển mạng lưới đối tác chiến lược tại mỗi quốc gia mục tiêu. Yếu tố then chốt cuối cùng là chuẩn hóa quy trình phê duyệt nội dung, xử lý template và tích hợp các yêu cầu pháp lý một cách hệ thống, đảm bảo mọi quy trình triển khai cho khách hàng được thông suốt, dễ dàng và hiệu quả.
PV: Chị nhắc rất nhiều đến bảo mật, vậy vấn đề bảo mật dữ liệu và những luật dữ liệu khắt khe có phải rào cản lớn cho CPaaS Việt Nam khi ra thế giới không?
Mrs. Cẩm: Vấn đề bảo mật dữ liệu hiển nhiên là một thách thức trọng yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển giải pháp CPaaS, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã trở thành yêu cầu nền tảng. Do đó, các nhà cung cấp CPaaS Việt Nam buộc phải ưu tiên xây dựng sản phẩm đảm bảo tính bảo mật cao và khả năng tuân thủ tuyệt đối. Điều này đòi hỏi sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng để đạt được các chứng chỉ bảo mật quốc tế uy tín, thậm chí cả những chứng chỉ đặc thù ngành như Fintech – phân khúc mục tiêu tiềm năng. Song song đó, việc minh bạch hóa chính sách quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cũng là bắt buộc.
Bên cạnh việc đầu tư và phát triển sản phẩm, chúng tôi cũng có chuyên viên pháp lý nghiên cứu rất kỹ các vấn đề về bảo mật dữ liệu và luật dữ liệu tại từng quốc gia dự định phát triển, đó là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi lên kế hoạch triển khai phát triển thị trường được chắc chắn, thành công.
Một chiến lược sản phẩm thông minh cần bao gồm cả việc thiết lập hạ tầng lưu trữ địa phương, đảm bảo dữ liệu người dùng không di chuyển khỏi lãnh thổ quốc gia nếu luật pháp sở tại yêu cầu.

PV: Cảm ơn chị với những chia sẻ vô cùng hữu ích về tiềm năng và thách thức của CPaaS Việt Nam khi dự định “đem chuông đi đánh xứ người”!
Phát triển trong nước giữa thời đại thay đổi như hiện nay đã và đang là một thách thức với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, vậy nên, “đem chuông đi đánh xứ người” lại càng là một quyết định táo bạo và cần nhiều sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ để đảm bảo được thành công. Hi vọng những chia sẻ trong bài phỏng vấn đã giúp doanh nghiệp phần mềm Việt nói chung và doanh nghiệp CPaaS Việt nói riêng nhìn thấy được những tiềm năng to lớn, cũng như lường trước những thách thức sẽ cần gặp phải trên con đường “go global”. Hãy cùng theo dõi Chuyên trang Marketing của GAPIT để đón đọc các bài viết, bài phỏng vấn chuyên môn về Martech Solutions và thị trường Marketing tiếp sau nhé!
