Inbound Marketing được ví như xu thế dẫn đầu thị trường trong những năm gần đây với khả năng thiết lập mối quan hệ bền chặt với khách hàng dựa trên sự tin tưởng. Vậy Inbound Marketing là gì? Inbound Marketing có mấy giai đoạn và có gì khác biệt với Outbound Marketing? Tìm hiểu cặn kẽ trong bài viết dưới đây nhé!
Inbound Marketing là gì?
Inbound Marketing là phương pháp thu hút, dẫn dắt chuyển đổi khách hàng thông qua những chiến lược, nội dung hữu ích, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển doanh thu, thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp.
Inbound Marketing góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trên các khía cạnh dưới đây cho cả doanh nghiệp lớn và nhỏ:
- Gia tăng lượt truy cập vào website (traffic)
- Thành công chuyển đổi traffic thành lead khách hàng tiềm năng
- Phát triển doanh số bán hàng
- Thành công giữ chân khách hàng ở lại với thương hiệu
- Củng cố niềm yêu mến & thái độ trung thành với thương hiệu.
>> 5 lợi ích thiết thực Inbound Marketing mang lại cho doanh nghiệp
Đặc biệt, với mức chi phí đầu tư vào Marketing vô cùng tiết kiệm, Inbound Marketing chắc chắn là xu hướng tiếp thị doanh nghiệp không nên bỏ lỡ! Trái ngược với Inbound Marketing là Outbound Marketing. Vậy Outbound Marketing là gì?
Outbound Marketing là gì?
Outbound Marketing là phương pháp tiếp thị làm gián đoạn hoạt động đang diễn ra của người xem nhằm gây ấn tượng, thu hút sự chú ý và chuyển đổi khách hàng. Với phương pháp này, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm khách hàng tiềm năng thông qua các kênh như:
- Đặt biển quảng cáo billboards.
- Cold Calling: các cuộc gọi tiếp thị bán hàng.
- Phát tờ rơi.
- Quảng cáo trên radio, tivi.
- Gửi email bán hàng hàng loạt.
Ba giai đoạn chính trong Inbound Marketing
Ba giai đoạn chính trong Inbound Marketing bao gồm: Thu hút (Attract) – Tiếp cận (Engage) – Làm hài lòng (Delight). Với từng giai đoạn, doanh nghiệp cần linh hoạt kết hợp các kênh tiếp thị và công cụ khác nhau để đạt được hiệu quả tối ưu.
Giai đoạn 1: Attract – Thu hút Sự Chú Ý
Bạn cần thu hút sự chú ý của mọi người, thay vì ép buộc ở giai đoạn làm quen này và cung cấp các giá trị trước khi muốn có được những giá trị khác. Đây là lúc để thu hút khách hàng truy cập với thật nhiều nội dung chất lượng, hữu ích. Và loại bỏ các rào cản khi họ cố gắng tìm hiểu về doanh nghiệp bạn, giúp họ tìm kiếm thương hiệu bạn 1 cách dễ dàng.
Đúng như tên gọi, trong giai đoạn này, doanh nghiệp hướng đến mục tiêu thu hút sự chú ý của người dùng thông qua việc cung cấp những giá trị do chính doanh nghiệp tạo ra. Đồng thời, giúp họ dễ dàng tiếp cận với thương hiệu khi tìm kiếm thông tin hơn. Xuất hiện “đúng lúc, đúng chỗ” khi khách hàng cần chính là điểm mấu chốt trong giai đoạn đầu tiên này của Inbound Marketing.
Một số hoạt động tiếp thị và kênh tiếp thị doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào trong khoảng thời gian này phải kể đến SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), Content Marketing, Social Media.
Content Marketing
“Content is King” có thể áp dụng trong bất kỳ chiến lược Marketing nào. Khi thực thi, triển khai Inbound Marketing, Content được ví như chiếc chìa khóa chính. Dù nội dung của bạn hướng đến cung cấp các thông tin hữu ích, mô tả sản phẩm, branding cho sản phẩm,… thì bắt buộc phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dùng và giúp tháo gỡ những vấn đề họ đang mắc phải, giúp thu hút khách hàng một cách tự nhiên.
SEO (Tối ưu công cụ tìm kiếm)
SEO (Tối ưu công cụ tìm kiếm) hướng đến việc đưa các thông tin, bài viết về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp hiển thị trên những trang top đầu khi khách hàng tìm kiếm. Từ đó, thu hút người dùng nhấn vào tìm hiểu, giúp thương hiệu tiếp cận được những khách hàng tiềm năng mới. SEO website mang đến cho thương hiệu hiệu quả lâu dài với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều thông qua tuyến nội dung bổ ích.
Social Media
Social Media là một trong những kênh Marketing cực kỳ tiềm năng. Sử dụng mạng xã hội không chỉ giúp tăng độ nhận diện, tương tác trực tiếp với người dùng mà còn là nơi đưa các thông tin của doanh nghiệp đến khách hàng và có thể mang đến lượt truy cập ngược lại về website. Việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình SEO website.
Kết quả của Giai đoạn Thu hút, khách hàng sẽ có những ấn tượng tốt với thương hiệu. Từ đó, tự nguyện “gắn kết” với thương hiệu và chuyển sang giai đoạn Engage: kết nối, tương tác sâu.
Giai đoạn 2: Engage – Kết nối, tương tác sâu
Sau khi thành công tiếp cận, thu hút được khách hàng, doanh nghiệp cần đề xuất những chiến lược nhằm kết nối và tạo mối quan hệ ban đầu với nhóm khách hàng tiềm năng. Sau đó sẽ tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng để tạo ra chuyển đổi một cách tự nhiên.
2 mục tiêu chính trong giai đoạn kết nối này:
- Tăng tương tác: Duy trì sự yêu thích, hứng thú của khách hàng sau giai đoạn thu hút.
- Thúc đẩy chuyển đổi: Gia tăng mong muốn sử dụng sản phẩm demo, dùng thử để cảm nhận sản phẩm của khách hàng.
Dưới đây là các hoạt động doanh nghiệp có thể kết hợp để đạt được hai mục tiêu kể trên:
CTA (Call-to-action)
Call-to-action là lời kêu gọi người dùng truy cập vào website thực hiện hành động nào đó, ví dụ như “Đăng ký tham gia”, “Tải ebook”, “Đặt hàng”, “Thanh toán”,… Nếu doanh nghiệp không thể tạo ra những CTA hấp dẫn, cuốn hút thì khó có thể chuyển đổi người dùng thành công từ giai đoạn Thu hút sang Gắn kết.
CTA cần mang tính khẩn trương, thúc giục, cấp bách và đặc biệt thôi thúc hành động của người dùng không quá phức tạp. Nút CTA thường được chèn vào cuối nội dung, sau khi bạn đã đưa ra những thông tin hấp dẫn về sản phẩm, dịch vụ và thông điệp bạn muốn chuyển tải để thuyết phục người dùng. Tuy nhiên, trong các bài viết dài, bạn hoàn toàn có thể chèn CTA xuyên suốt để người dùng dễ dàng nhìn thấy.
Landing Page (Trang đích)
Với những thông tin được chắt lọc có giá trị với người dùng nhất, landing page là công cụ phổ biến được doanh nghiệp thường xuyên sử dụng để chuyển đổi hành vi người dùng, thuyết phục họ điền thông tin vào biểu mẫu.
Mục đích cuối cùng của Landing Page là thu thập Lead – Thông tin liên hệ của đối tượng khách hàng mục tiêu.
Form (Biểu mẫu điền thông tin)
Form dùng để lưu trữ các thông tin của đối tượng khách hàng mục tiêu như tên, email, số điện thoại,… Giống như CTA và Landing Page, form thông tin cần được thiết kế bắt mắt, bao gồm đầy đủ các thông tin có giá trị nhằm tối ưu cơ hội chuyển đổi. Để người dùng bị thuyết phục điền thông tin vào form, doanh nghiệp cần cung cấp chính xác những gì người dùng mong muốn được nhận để “trao đổi” như ebook miễn phí, tài liệu,…
Giai đoạn 3: Delight – Cung cấp trải nghiệm vượt kỳ vọng
Sau khi thu thập được các thông tin khách hàng từ giai đoạn tiếp cận, doanh nghiệp cần phân loại các Lead xem khách hàng đang ở đâu trên hành trình khách hàng (Customer Journey). Thông qua đó, doanh nghiệp có thể áp dụng các hoạt động Inbound Marketing phù hợp để chăm sóc họ và chốt Sale.
Giai đoạn 3 này hướng đến việc cung cấp những trải nghiệm vượt kỳ vọng, nhằm giữ chân khách hàng và thuyết phục khách hàng trở thành đại sứ thương hiệu miễn phí cho doanh nghiệp.
Chiến lược tiếp thị trong giai đoạn này bao gồm:
- Nuôi dưỡng khách hàng: Doanh nghiệp cần nuôi dưỡng các đối tượng để lại thông tin ngoài mục đích mua hàng, khách hàng chưa chuyển đổi ở giai đoạn chốt Sale,… Bạn có thể thực hiện nhiệm vụ này thông qua Marketing Automation, Email Marketing, Social Media,…
- Chiến lược chốt Sale: Đối với các khách hàng để lại đầy đủ thông tin tại form đăng ký, landing page hay các kênh social,… bộ phận Marketing của doanh nghiệp sẽ chuyển lead về Sales để tiến hành liên hệ trực tiếp cho khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp có thể đưa ra những khuyến mãi hay ưu đãi về giá để tăng cơ hội chốt đơn thành công.
- Chiến lược chăm sóc khách hàng: Chăm sóc khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các chính sách rõ ràng, cam kết bảo hành, hỗ trợ khách hàng 24/7, ưu đãi vào các dịp đặc biệt,… là những gợi ý giúp doanh nghiệp thành công chinh phục trái tim khách hàng.
Có thể thấy Inbound Marketing đã và đang là tương lai của tiếp thị khi các doanh nghiệp đều tập trung vào cung cấp giá trị, tạo ra sự khác biệt trong trải nghiệm của người dùng. Inbound Marketing đem đến các cơ hội cũng như các giải pháp hiệu quả giúp tác động tích cực đến doanh nghiệp lẫn khách hàng. Và đó là cách đưa doanh nghiệp phát triển – bằng cách giữ cho tiếp thị, bán hàng và dịch vụ liên tục tập trung chăm sóc khách hàng hiện tại lẫn tương lai.
>> Top 5 xu hướng Inbound Marketing không thể bỏ lỡ năm 2022
Tìm hiểu thêm về Inbound Marketing và các phương pháp tiếp thị nổi bật khác tại Blog của GAPIT Communications.