Sử dụng chân dung người dùng hay User Persona là cách tốt nhất để doanh nghiệp định hướng trong phát triển kinh doanh. Bởi lẽ, những “bức chân dung” này được xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu xoay quanh chính đối tượng được nghiên cứu. Điều này cho phép doanh nghiệp loại bỏ những suy đoán mơ hồ, tiết kiệm thời gian công sức, loại bỏ những chiến lược sai và dĩ nhiên là hạn chế cả những thất bại. Cùng GAPIT tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Chân dung người dùng là gì?
Chân dung người dùng là một bản tổng hợp, liệt kê những đặc điểm, yếu tố đại diện cho tệp người dùng của doanh nghiệp. Trong tiếng Anh, chân dung người dùng được gọi là User Persona. User Persona được xây dựng dựa trên các dữ liệu thực tế thu thập từ đối tượng được nghiên cứu và phản chiếu chính xác những gì khách hàng cần, khách hàng muốn. Chính bởi vậy chân dung người dùng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định tạo ra và nâng cấp sản phẩm. Nó còn là cách để doanh nghiệp đưa đến những nội dung truyền thông đúng với nhu cầu thực sự của người dùng.
Một doanh nghiệp không chỉ có một chân dung người dùng, bởi lẽ việc toàn bộ khách hàng của một thương hiệu đều sở hữu những đặc điểm giống nhau là điều không thể. Chính vì vậy, trước khi thực hiện vẽ User Persona, doanh nghiệp cần phải phân chia tệp khách hàng thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau dựa theo từng thuộc tính nhất định. Lúc này, mỗi một nhóm khách hàng sẽ tương ứng với một bản Persona. Một doanh nghiệp nên có khoảng 4 – 6 bản mô tả chân dung người dùng.
Doanh nghiệp đã hiểu và sử dụng đúng chân dung người dùng chưa?
Chân dung người dùng bao gồm:
Bản vẽ chân dung người dùng được cấu thành bởi nhiều yếu tố, dưới đây là một vai yếu tố thường gặp:
- Các yếu tố nhân khẩu học
- Thói quen
- Động lực thúc đẩy
- Nỗi đau, vấn đề đang gặp phải
- Thái độ, hệ tư tưởng và đức tin
- Bối cảnh hiện tại
Sự khác biệt giữa chân dung người dùng và chân dung khách hàng trong Marketing
Khác với chân dung người dùng, chân dung khách hàng trong Marketing sẽ tập trung nhiều hơn vào động lực mua hàng của khách hàng và cách để sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp tiếp cận được với đối tượng mà họ muốn hướng đến. Giả sử như một cửa hàng thời trang trung niên nữ hoàn toàn có thể có chân dung khách hàng Marketing là một cô gái trẻ 20 – 25 tuổi bởi những cô gái này sẽ mua đồ trung niên để tặng các mẹ và vì thế, họ cũng là đối tượng mà cửa hàng này cần tiếp cận. Tuy nhiên, chân dung người dùng thì sẽ chỉ là các các khách hàng trung niên nữ, những người sẽ trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo bảng dưới đây:
Chân dung khách hàng trong Marketing | Chân dung người dùng |
Tập trung vào thông tin nhân khẩu học. Quan tâm đến động lực mua hàng. Có thể sử dụng các yếu tố đoán, suy luận thông qua hành vi và đặc điểm đối tượng. Có vai trò trong việc thiết kế thông điệp Marketing. Gắn với mục đích cải thiện ROI sản phẩm. |
Tập trung vào mục đích sử dụng, nhu cầu, thói quen. Quan tâm đến tại sao đối tượng lại sử dụng sản phẩm và có thói quen đó. Bắt buộc liệt kê những yếu tố thực, không đoán, không suy luận và phải dựa trên cá nhân thực tế. Đóng vai trò trong việc thiết kế và xây dựng sản phẩm/ dịch vụ. Gắn với mục đích khám phá ra các yếu tố mới để nâng cấp sản phẩm. |
Trong một vài trường hợp, chân dùng người dùng là cơ sở để Marketer xây dựng chân dung khách hàng trong Marketing và triển khai các chương trình truyền thông hiệu quả.
5 lý do chứng minh rằng sử dụng chân dung người dùng sẽ đem lại giá trị lớn cho doanh nghiệp
1. Giúp doanh nghiệp hiểu và thấu cảm về khách hàng
Một sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Người hiểu nhất về đối tượng sử dụng và tạo ra sản phẩm lại không phải là người trực tiếp phân phối và đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Chính bởi vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh tốt nhất, doanh nghiệp cần sở hữu một bản chân dung người dùng nhằm giúp cho những người bán hàng, các đơn vị phân phối, đơn vị chăm sóc khách hàng dễ dàng cung ứng và hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.
Ví dụ như người may ra bộ trang phục trung niên sẽ cần chân dung người dùng để thiết kế đúng sở thích của họ. Nhưng người bán cũng cần hiểu rõ khách hàng là ai, họ thích trang phục như thế nào để tư vấn cho đúng và thiết kế cửa hàng với lối đi rộng hơn, bảng giá, bảng tên sản phẩm có chữ to, rõ ràng hơn.
2. Hỗ trợ đội ngũ Marketing
User Persona là một trong những yếu tố để Marketer hiểu được sản phẩm được sinh ra dựa trên cơ sở nào, đối tượng sử dụng là ai, từ đó suy ra được với người dùng như vậy thì đâu là những người mua tương ứng, mua với mục đích gì. Có thể nói User Persona là một trong những cơ sở để Marketer tìm ra Insight khách hàng, yếu tố vô cùng quan trọng tạo ra thông điệp truyền thông.
3. Xác định rõ sản phẩm cần phát triển, tiết kiệm nguồn lực
Việc thiết kế váy cho thương hiệu thời trang trung niên rất mơ hồ. Doanh nghiệp luôn cần phải làm rõ người dùng của mình là ai. Thông thường đối tượng sử dụng của thương hiệu là những cô trung niên mua đồ ngủ hay đồ đi tiệc, thích mặc đồ thoải mái hay ưu tiên kiểu dáng và những đối tượng này có thói quen bảo quản quần áo kỹ lưỡng hay không? Đây là yếu tố quan trọng để người sản xuất lựa chọn chất vải, quyết định form dáng và thậm chí là lựa chọn nhà phân phối cho phù hợp với khách hàng. Và dĩ nhiên, việc thiết kế đúng theo User Persona là cách để doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực mọi mặt khi cung ứng sản phẩm đúng nhu cầu và thói quen của người dùng thay vì sản xuất tất cả các loại và chỉ bán được một số lượng nhỏ trong đó.
4. Giúp sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dùng
Như đã đề cập ở trên, chân dung người dùng không đại diện cho một người mà đại diện cho một nhóm người. Chính bởi vậy, việc doanh nghiệp tạo ra một sản phẩm/ dịch vụ đúng với User Persona đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của một nhóm người đông đảo – Đây là yếu tố không thể thiếu nếu doanh nghiệp muốn tăng trưởng doanh thu – Đáp ứng nhu cầu của càng nhiều người dùng thì số lượng sản phẩm bán ra cũng sẽ tăng trưởng theo.
5. Cung cấp thông tin cho việc thiết kế và phát triển sản phẩm
Không chỉ có giá trị trong việc xây dựng sản phẩm/ dịch vụ, trong vòng đời cung ứng một sản phẩm việc nâng cấp luôn là điều cần thiết. Không thiếu trường hợp trên thị trường, các sản phẩm sau khi nâng cấp bị người dùng rời bỏ vì thay đổi những yếu tố không đúng với nhu cầu của họ.
Vậy nên, mỗi lần thay đổi, doanh nghiệp cũng nên cập nhật User Persona để giải đáp các câu hỏi như:
- Người dùng có thay đổi gì hay không?
- Tính năng này thêm vào nhằm mục đích gì?
- Người dùng có cần giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra hay không?
Hy vọng bài viết trên đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn chính xác hơn về chân dung người dùng và biết cách ứng dụng hiệu quả “bản vẽ” này vào hoạt động kinh doanh. Để tìm hiểu từng bước xây dựng User Persona, hãy xem trong bài viết sau: https://gapit.com.vn/thiet-ke-chan-dung-nguoi-dung/
Liên hệ tư vấn giải pháp Martech với GAPIT ngay tại đây.